Bảo quản máy lạnh, tủ lạnh trong mùa nóng

Hiện nay đang vào cao điểm của mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng đồ điện lạnh gia dụng tăng mạnh. Tuy nhiên, sử dụng, khắc phục các lỗi nhỏ và bảo quản máy lạnh, tủ lạnh ra sao không phải ai cũng biết. Bài viết này  giới thiệu một số biện pháp và cách bảo quản máy lạnh, tủ lạnh để chúng có tuổi thọ tốt hơn.

* Khi dùng máy lạnh

Nhiều người thường mắc phải sai lầm là dùng máy lạnh cả năm nhưng không vệ sinh hoặc bảo trì. Điều này sẽ khiến đuôi tủ nóng (unit outdoor), dẫn đến giải nhiệt kém gây hư hỏng nặng. Theo đó, cần chú ý:

Hướng dẫn bảo trì máy lạnh.
Hướng dẫn bảo trì máy lạnh.

– Đối với hộ gia đình: trung bình 3-4 tháng bảo trì 1 lần (chạy 3-6giờ/ngày).

– Đối với văn phòng hành chính: từ 2-3 tháng bảo trì 1 lần (luôn chạy 8 -10giờ/ngày).

– Điểm kinh doanh internet hay bưu điện, showroom có nhiều bụi bặm: 1 tháng bảo trì 1 lần.

Ngoài ra, nên 3 tháng vệ sinh một lần, bằng cách rửa thủ công. Theo đó,  người nhà có thể tháo 2 miếng lưới ở giàn lạnh ra rửa tạm thời (lưới sạch khiến gió rút vào mạnh để đẩy hơi lạnh ra ngoài tốt hơn). Còn phần đuôi máy nóng, dùng vòi nước hoặc máy bơm rửa với lực mạnh thì có thể xịt thẳng vào đuôi nóng dưới góc từ 70-90 độ. Tuy nhiên, cần cẩn thận tránh làm giàn nóng bị móp gây giải nhiệt kém.

Nhằm tránh tốn điện, nhất thiết phải vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để máy chạy tốt và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình bạn cũng như làm giảm chất lượng nguồn không khí sạch.

Nếu phát hiện máy có dấu hiệu lạnh kém hoặc không lạnh thì nên tắt cầu dao ngay và kêu thợ sửa chữa tới xem xét. Vì có thể nguyên nhân là do gas bị xì hoặc quạt đuôi nóng bị hư.

Tủ lạnh do phải tải Ampe rất cao nên đòi hỏi điểm tiếp xúc điện phải tốt, không được lỏng lẻo. Do đó nên sử dụng riêng phích cắm ổ điện loại lớn.

* Đối với tủ lạnh :

– Nên để riêng cho tủ 1 ổ cắm điện riêng hoặc 1 phích cắm loại tốt, dính chặt, không được lỏng lẻo khi dây máy được tiếp xúc vào ổ điện.

– Khi xê dịch tủ trong quá trình vận chuyển thì tránh bê ngược nhưng sau khi định vị vị trí đặt tủ, chờ ít nhất 10-15 phút rồi hãy cắm điện.

– Nếu là loại tủ đóng tuyết thì khi xả đá, tuyệt đối không dùng bất kỳ vật nhọn nào đục, cạy đá bên trong. Nhằm tránh bị thủng giàn lạnh bên trong.

– Do được thiết kế giàn nóng chìm trong tủ nên khả năng giải nhiệt của tủ rất hạn chế. Cho nên những bề mặt xung quanh của tủ khi máy chạy, sẽ phát ra hơi nóng. Những bề mặt này không được che đậy cũng như không nên đặt tủ quá sát tường gây kém giải nhiệt. Khoảng cách an toàn cách xa vỏ tủ xung quanh những mặt nóng này tốt nhất là ở mức 10-15cm.

– Trong quá trình sử dụng, tủ phải luôn được đóng kín, nếu roong xung quanh tủ bị hở thì phải thay ngay. Vì khả năng tủ chạy bền hay không phụ thuộc vào tình trạng kín hay hở. Nếu bị hở thì sẽ khiến máy luôn chạy ở tình trạng quá tải, nếu xảy ra quá lâu thì bộ cơ bên trong máy sẽ nhanh chóng hao mòn khiến tủ kém lạnh và dần… cháy mát dây hoặc yếu bơm.>>

Vi Lâm (tổng hợp)